Chỉ trong một thời gian ngắn (từ 28.12.2018 đến 3.1.2019), tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã xuất hiện liên tiếp 3 ổ dịch lở mồm long móng. Điều đáng nói, ngay khi ổ dịch đầu tiên được người dân phát hiện, cơ quan chuyên môn đã không lấy mẫu xét nghiệm để xác định chủng vi rút gây bệnh, không kịp thời mua vắc xin tiêm bao vây, thú y cơ sở cũng không báo cáo lên cơ quan chuyên môn
Đọc thêm: [/url]Phân bón
Mới đây, tại TX Đông Triều đã xuất hiện 3 ổ dịch lở mồm long móng trên đàn lợn của 3 hộ dân xã Nguyễn Huệ và An Sinh, với tổng đàn 111 con lợn các loại, trong đó thời điểm phát hiện ổ bệnh đã có 15 con lợn bị chết.
Cụ thể, ổ dịch đầu tiên phát sinh ngày 24.12.2018 tại hộ ông Nguyễn Đình Thiện (đội 8, xã Nguyễn Huệ) với tổng đàn 37 con lợn thịt. Tiếp đó 28.12.2018, bệnh tiếp tục phát sinh tại hộ ông Lê Văn Trọng (thôn Bãi Dài, xã An Sinh) với tổng đàn 50 con (2 nái, 30 lợn thịt, 18 lợn con).
Ngày 3.1.2019 xuất hiện ổ dịch tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Minh Huệ (thôn 7, xã Nguyễn Huệ) với tổng đàn 24 con (2 nái, 22 lợn con). Tổng số lợn chết của 3 trường hợp nói trên là 15 con.

Kiểm tra dịch bệnh tại một cơ sở nuôi lợn Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Quý.
Sự việc sau đó được báo lên cơ quan thú y huyện. Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Đông, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi Quảng Ninh: “Thực tế người dân phát hiện nghi ổ dịch từ ngày 24.12.2018, nhưng đến qua Tết Dương lịch tôi mới nhận được thông tin từ phía người dân. Tất cả các cơ quan chức năng, chuyên môn của TX.Đông Triều đều không có thông tin gì cả. Sau đó Chi cục mới xuống kiểm tra lại các ổ dịch đó, lúc này các đàn lợn tại 3 ổ dịch đã được bôi thuốc sát trùng và tiêm kháng sinh rồi, số lợn chết cũng đã được mang đi chôn nên không thể lấy mẫu được”.
Cũng theo ông Đông, Chi cục nhận được thông tin từ Hội chăn nuôi Đông Triều cho biết, khi phát hiện ra hiện tượng dịch bệnh, các hội viên đã báo về cơ quan thú y huyện nhưng không thấy ai đến kiểm tra.

TX Đông Triều là địa phương có tổng đàn lợn lớn của tỉnh, trong có 2 khu chăn nuôi tập trung nên công tác chống dịch bệnh lở mồm long móng trên lợn cần phải được thực hiện quyết liệt để giảm nguy cơ lây lan, dẫn đến thiệt hại.
Khi thấy nguy cơ lây lan dịch bệnh ở các tỉnh rồi thì mình phải nắm lại địa bàn. Đằng này này kể cả cơ quan thú y Thị xã cũng vô trách nhiệm trong việc bám sát cơ sở và nắm bắt thông tin, thiếu ý thức trong phối hợp báo cáo tình hình dịch bệnh với cơ quan chuyên trách” – ông Đông nói.
Đáng lo ngại là Quảng Ninh là nơi tiêu thụ lợn thịt, lợn giống cho các tỉnh thành lân cận, do đó không chỉ có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh trong nội địa mà còn lây nhiếm từ ngoài vào càng cao. Hiện mỗi ngày toàn tỉnh tiêu thụ từ 2.300 con - 2.500 con lợn thịt, trong đó nguồn cung tại chỗ trên địa bàn chỉ đạt khoảng 60%, còn phải nhập từ tỉnh ngoài khoảng 40%. Trong khi đó tính đến ngày 4/1, toàn quốc đã có 10 tỉnh thành xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng, chủ yếu tại khu vực các tỉnh phía Bắc.
Bệnh lở mồm long móng không chỉ xuất hiện trên đàn lợn, mà còn lây nhiễm chéo trên cả trâu, bò và dê. Chính bởi vậy nên khi đàn lợn bị mắc bệnh nếu không được xử lý dứt điểm, hiệu quả không chỉ lan rộng trong tổng đàn mà còn lây sang đàn trâu, bò, dê, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều; công tác phòng chống dịch khó khăn và chi phí cao.
Để có thể xác định vi rút gây bệnh nhằm làm cơ sở để tiêm phòng đúng, trúng chủng bệnh, bao vây và dập dịch dứt điểm thì các ổ dịch cần được phát hiện sớm, kịp thời lấy mẫu để xét nghiệm. Giai đoạn có thể lấy mẫu để xét nghiệm là khi vật nuôi mới chớm bị bệnh (dấu hiệu sốt và bỏ ăn ít bữa), còn khi bệnh đã nặng (viêm loét mồm, long móng) hoặc đã dùng thuốc để điều trị thì không thể xác định được chủng bệnh.
Theo cơ chế phân cấp quản lý hiện nay, các địa phương là đơn vị có trách nhiệm phát hiện, giám sát ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện các khâu tiêu hủy đàn vật nuôi bị bệnh, tiêu độc, khử trùng, công bố dịch khi đủ điều kiện… Tuy nhiên, thời gian qua nhiệm vụ này của các địa phương dường như chưa được triển khai triệt để.